Đọc “Quê nhà” của Tô Hoài…

Mấy hôm nay đọc đi đọc lại cuốn “Quê nhà” của Tô Hoài. Đây cũng là một trong những cuốn sách nhiều kỷ niệm với mình. Có lẽ, bản in đầu tiên mà mình đọc là bản in năm 1983. Cũng chẳng nhớ được bìa vẽ như thế nào nữa, giấy màu ngà ngà, tốt hơn hẳn loại giấy đen. Mỗi khi đọc “Quê nhà” lại trèo lên cây me cao vút ở góc vườn con con. Cây me này cũng thuộc dạng khó trèo vì chặt hết cành ngang ở phần gốc, mỗi lần trèo cũng phải mắm môi mắm lợi ngậm sách vào miệng, túi áo dắt thêm gói muối ớt cay xè. Gỗ me dai chắc chứ không giòn như khế “hóc xương gà, sa cành khế”, mẹ vẫn thường bảo thế. Yên vị trên cây me, nghĩa là đã vào tòa lâu đài của mình rồi. Mình vẫn chiếm cứ cây me và coi đó là lãnh địa riêng, cũng có tầng một tầng hai như lâu đài thật. Ngày nhỏ, mình thích leo cầu thang nên chỉ thích nhà hai tầng để được suốt ngày leo (bây giờ ngày nào cũng leo 4 tầng gác, về nghỉ cũng 3 tầng, chán kinh).

Ngồi vắt vẻo trên cây me, mình mở sách ra đọc, vừa đọc vừa ăn me non chấm muối ớt. Aên chả biết đến ghê răng, chỉ biết là vị muối ớt cay cay, vị me non chua chua sao mà hợp vị thế, hợp với cả cuốn “Quê nhà” của Tô Hoài thế. Chuyện cô Ba Trại xuống Hà Nội làm dâu không chồng nhà bà Xuất Vấn, chuyện thời tao loạn con gái cải trang thành trai Ba Trại thành Xuất Nghĩa lãnh đạo dân làng đánh Pháp, chuyện phong tục tập quán Hà Nội thời Pháp mới xâm lược Việt Nam… hấp dẫn quá. Hồi ấy, đọng nhiều nhất trong trí nhớ mình lại là chuyện ăn thịt thủ Ngạc Nhe, Tết Đoan Ngọ ăn rượu nếp, ốc luộc… Cuốn tái bản năm nay cũng sửa chữa đôi chút về câu cú, thêm thắt một vài câu miêu tả tâm trạng…, đọc đến đâu biết đến đấy. Càng đọc, càng thấy thương thân phận con người, thân phận người phụ nữ thời buổi giặc giã, càng thấy nhớ về thời kỳ con người sống nồng hậu, chân tình…

Thế là lại phải chuẩn bị đi mua thêm hai cuốn “Quê người” và “Mười năm” tiếp nối “Quê nhà” nữa rồi. A mợ lấy tiền của cậu đi mua hết sách ngoài hàng, không bán cho badilio nữa, sách badilio đốt hết, keke.

Published in: on November 30, 2007 at 10:56 am  Comments (5)  
Tags:

Ông già làm gì cũng đúng

Tài năng và cảm hứng sáng tác của Grieg được lớn lên qua những hình ảnh, âm thanh của phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống con người xung quanh ông. Người viết tiểu sử đầu tiên của Grieg, Aimer Gronvold đã kể rằng Grieg có một căn lều gỗ ở gần vịnh Lofthus, ông vẫn đến sống ở đó vào mùa hè, đôi khi cả mùa đông nữa, để tìm kiếm sự yên tĩnh và thanh bình phục vụ cho công việc sáng tác. Giữa cái sân khấu hùng vĩ và khoáng đạt của tự nhiên, Grieg đặt một cây đàn piano và bàn viết, ông chơi nhạc giữa núi rừng, giữa muông thú, âm nhạc của ông đến từ những tình cảm sâu sắc nhất về làng quê nông thôn Na Uy. Gronvold đã kết luận rằng “Có một mối quan hệ thắm thiết và không giải thích được giữa những mảnh đất Grieg đã sống và âm nhạc mà ông tạo ra”. Khi nghe nhạc của Grieg, ta có thể cảm nhận thấy những ánh nắng ấm áp, những hơi thở tươi mát của làn nước trong xanh, sự ẩn hiện của những dòng sông băng lấp lánh, vẻ hùng vĩ của những dãy núi đá dựng đứng và cuộc sống thanh bình, êm ả bên bờ vịnh của mảnh đất miền Tây Na Uy, nơi Grieg đã sinh ra và suốt đời yêu mến nó.

Grieg đã vẽ tranh với những nốt nhạc, ông vẽ con người, cảnh vật, và những tâm hồn Na Uy. Trong Tổ khúc Peer Gynt bất hủ, Grieg đã nắm bắt được ánh ban mai của mặt trời, sự than khóc của cái chết, và hình ảnh của một buổi đi săn trong “Hang động của Vua Núi”. Các tác phẩm của ông chứa đựng cái mà ngày người ta gọi là “những giai điệu”. Khi Grieg và vợ ông, Nina, dạo qua những con phố ở Bergen, những đứa trẻ đi theo họ ở đằng sau, chúng huýt sáo những giai điệu này, để tỏ lòng ngưỡng mộ đối với một nhà soạn nhạc vĩ đại. Trong những thế kỷ sau này, chắc chắn những bản nhạc của Grieg sẽ vẫn tiếp tục được người ta huýt sáo và ngân nga cũng như được trình diễn bởi những dàn nhạc danh tiếng trên toàn thế giới.

P.S: Công nhận cậu làm gì cũng đúng! Andersen đã phải thốt lên thán phục về điều đó. Chiều nay, mợ lên mạng thấy ảnh một căn lều gỗ ở gần vịnh Lofthus, ông vẫn đến sống ở đó vào mùa hè, đôi khi cả mùa đông nữa, để tìm kiếm sự yên tĩnh và thanh bình”. Còn có mấy ảnh nữa chụp tượng Grieg, từng đoàn khách tới thăm và cả vách đá có “Hang động của vua Núi”. Nhất định sau này, trong trang trại meongoan sẽ có cả căn nhà gỗ riêng biệt để nghe nhạc và đọc sách, không cho bảo kê và các loại badilio bén mảng đến phá vỡ sự yên bình.

Published in: on November 25, 2007 at 3:42 am  Comments (2)  

Một mình với mùa thu

Đã bao giờ bạn nghe nhạc một mình trong một căn phòng rộng chưa? Quả là một điều kiện quá tuyệt vời cho những người yêu nhạc cổ điển. “Chè tam, rượu tứ” nhưng nghe nhạc, đặc biệt là khí nhạc, thì nên nghe một mình. Kinh nghiệm lâu năm cho thấy, ngoại trừ ở những nơi có tính kỷ luật cao như nhà hát, phòng hòa nhạc… thì ít nhiều có đủ sự trật tự để nghệ sỹ trình diễn và để thưởng thức âm nhạc. Tuy nhiên, im lặng hoàn toàn tuyệt đối để lắng nghe một tác phẩm cổ điển ngoài những địa điểm ưu việt ấy có lẽ nằm ngoài “sức chịu đựng” của các thần dân Vương quốc Nhạc cổ điển. Keke, ban đầu sẽ là Hải hét nếu được nghe một aria do một soprano nào đó trình diễn. Thật khủng khiếp khi trong cơn cao hứng, mợ Late hứng chí full voice một nốt rế cao vút còn đội bảo kê như thường lệ, làm dàn hợp xướng phụ họa!

Chiều qua tôi ngồi một mình trong căn phòng rộng rãi ở tầng 4. Không có ai xung quanh cả, bầu không khí vắng lặng nhưng thoải mái đến lạ lùng. Tôi vẫn mong có những buổi làm việc như thế này, thoải mái dựa vào thành ghế, gác chân lên phía ghế dối diện (hoặc hơn nữa thì cho chân lên mặt bàn), vươn vai như con mèo mới vừa ngủ dậy. Bên cạnh, cốc trà artiso thơm lừng, nóng bỏng. Nhưng hơn thế, có thể bật nhạc đến nút cao nhất của bộ loa, một mình trong bầu không khí lồng lộng thanh âm. Gil Shaham đang chơi bản violon concerto số 1 của Wieniawski. Có lẽ, khi viết tác phẩm này, Wieniawski chìm lặng trong nhiều nỗi suy tư về cuộc đời và đất nước Ba Lan thân yêu của ông, thậm chí cả chương 3 rondo.Allergo giocoso cũng nhuốm màu ảm đạm.

Tôi mở cửa bước ra ban công. Cây hoa giấy lặng lẽ khoe sắc. Phía trước những tán sấu, đa vẫn tốt um, vòm lá xanh bóng lên trong nắng chiều. Xa xa, một cây phi lao lẻ loi thấp thoáng, không biết cây phi lao này có phải nẩy mầm từ hạt phi lao bay lang thang từ bãi biển Thanh Hóa của Eli không…

Gió thổi lồng lộng qua những vòm lá xanh thẫm, tiếng vĩ cầm của Gil Shaham cũng như muốn bay lên bầu trời ngập nắng. Tôi cảm thấy thanh thản đến lạ lùng, như thấy mình bé lại và đang ngồi lặng ngắm hoàng hôn ở đồi Thiên Văn quê nhà.

Published in: on November 16, 2007 at 10:37 am  Comments (8)  

Pippi tất dài và câu chuyện dài về văn học thiếu nhi

Tủ sách của meongoan:

Pippi tất dài và câu chuyện dài về văn học thiếu nhi

Dạo này, người ta xôn xao về việc xuất bản cuốn “Pippi tất dài” của nữ văn sỹ Thuỵ Điển Astrid Lindgren. Xôn xao đến mức lên truyền hình, xuất hiện trên các mặt báo, tất nhiên là một thời gian khá dài sau khi cuốn sách này ra đời. Tôi nhớ rằng mình đọc “Pippi tất dài” cũng phải gần một tháng trước đây, mà chắc gì đã thuộc đợt được đọc đầu tiên ở Việt Nam ngay sau khi mới xuất bản.

Một cuộc thảo luận nho nhỏ về tác phẩm này đã được trình chiếu, với sự tham gia của nữ dịch giả và một số nhà báo quen thuộc. Họ hết lời ca ngợi, tất nhiên là thế bởi câu chuyện về cô bé Pippi tất dài cũng đáng để đọc, nhân bản và hết sức ngây thơ, ngộ nghĩnh. Người ta có thể gặp ở xung quanh mình rất nhiều, rất nhiều cô bé, cậu bé đáng yêu như thế (trong vương quốc Nhạc cổ điển, trừ cậu mợ ra, ai cũng giống Pippi hết, keke). Thậm chí trên VTV 1 tối ngày 12-11 còn phát một chương trình rất hay về Astrid Lindgren và các tác phẩm của bà.

Tôn vinh một tác phẩm văn học có giá trị là điều hoàn toàn nên làm, nhất là vào thời điểm hiện nay, khi văn hóa đọc đang có nhiều vấn đề đáng bàn cãi, nhưng cách tôn vinh lại thiếu tế nhị khiến người ta cảm thấy bất nhẫn. Ca ngợi tác phẩm nước ngoài rồi quay lại giả vờ nhỏ vài giọt nước mắt xót thương cho sự nghèo nàn của văn học thiếu nhi Việt Nam… Thực ra, tôi cũng không thấy thảm cảnh quá như vậy, dù rằng văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay quả thực là thiếu những tác phẩm hay như vậy (mà đã là tác phẩm hay và có giá trị trường cửu thì nền văn học nào chả thiếu, chả khao khát sở hữu). Khi còn nhỏ, tôi có may mắn là được đọc rất nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi của các nhà văn Việt Nam như “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Đất rừng phương nam” (Đoàn Giỏi), “Tuổi thơ dữ dội” (Phùng Quán), tập chuyện hoa chuyện quả của Phạm Hổ (tác giả mới mất), nhiều truyện ngắn của Vũ Tú Nam, Xuân Quỳnh… cùng nhiều tác phẩm khác mà tôi nhớ tên tác giả “Rừng đêm”, “Cái nóp”, “Đội thiếu niên tình báo Bát sắt”, “Đội thiếu niên Đình Bảng”… Bây giờ, trên kệ sách, thi thoảng mới thấy tái bản lại Dế mèn, Đất rừng, Tuổi thơ…

Nhìn lại, thiếu nhi không chỉ cần có những tác phẩm văn học viết riêng cho lứa tuổi mà còn cần cả nhiều cuốn sách phổ biến khoa học, giới thiệu chân dung các danh nhân văn hóa, lịch sử… Tôi còn nhớ bộ sách “Những vì sao đất nước” của tác giả Quỳnh Cư đọc rất hay và xúc động, bộ “Nghìn xưa văn hiến” về đất nước, con người Việt Nam, bộ sách danh nhân thế giới của NXB Khoa học và kỹ thuật cùng rất nhiều cuốn khác về non nước Việt Nam… Vào thời điểm ấy, tỷ lệ đẹp giữa sách trong nước và sách dịch của nước ngoài (chủ yếu là Liên Xô), cũng đem lại cho tuổi thơ nhiều điều thú vị, một niềm tự hào về đất nước mình cũng như sự háo hức nhìn ra nước ngoài. Sách thiếu nhi Việt Nam không bị chìm nghỉm giữa những đầu sách thiếu nhi Liên Xô như “Cuộc phiêu lưu của Mít đặc và các bạn”, “Buratino”, “Bác sỹ Aibôlít”, “Ơû xứ cỏ rậm”, “Cuộc phiêu lưu của Pinhlơgơ”, “Timua và đồng đội”, “Những ngọn cờ trên tháp”… cũng như nhiều cuốn sách phổ biến khoa học “Bên cạnh điều bí ẩn”, “Bạn hay thù?”….

Published in: on November 13, 2007 at 10:11 am  Comments (3)  
Tags:

Kỳ án mắm tôm và chân dung kẻ chủ mưu bí ẩn

Hãng thông tấn meongoan:

Kỳï án mắm tôm và chân dung kẻ chủ mưu bí ẩn

Trong những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội và những tỉnh lân cận, dịch tiêu chảy cấp đã bùng phát với tốc độ siêu mã. Hàng chục nạn nhân đã phải nằm viện, tính mạng mong manh trên bờ vực thẳm. Phần lớn nguyên nhân đưa họ đến cảnh thảm khốc này là bị buộc phải ăn mắm tôm có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Tất cả đều khai báo với công an là bị một kẻ lạ mặt nói đa đá giọng xứ Thanh, đeo kính gọng đen, mặt nạ đen bắt uống mắm tôm sống. Vậy kẻ bí ẩn là ai, tại sao hắn ta lại sử dụng độc chiêu này và đâu là động cơ? Để có được câu trả lời này, Hãng thông tấn meongoan đã cử phóng viên có nghiệp vụ cao, tương đương một thám tử (nghe được cả classic music, pop music…) nhập cuộc cùng các chiến sỹ công an. Và tấm màn bí mật đã dần hé lộ…

Mắm tôm khủng bố

Lâu nay, nghĩ đến các vụ cướp, các vụ trấn lột dã man và tàn bạo, người ta thường nghĩ đến những thủ đoạn tàn độc với những thứ vũ khí sát thủ cỡ dao găm, súng, côn, kiếm… Tuy nhiên, kỳ án mắm tôm lại không đi theo cách làm thông thường này. Kẻ đeo kính gọng đen lại chứng tỏ đẳng cấp thượng thừa bằng thứ vũ khí tưởng chừng không có gì lạ là mắm tôm, vốn là một sản vật vùng biển. Thực ra, đây là loại mắm moi, chỉ có dân vùng biển mới rõ được điều này, trộn kỹ với muối biển pha nước dãi cá mập và ruột thối cá đuối, mới được các nhà khoa học phát hiện là có khả năng phát điện hơn cả đuôi. Loại mắm tôm này được ủ kỹ với ít bụi mịn vận chuyển từ Hà Nội vào Thanh Hóa, sau hai tuần lễ, bổ sung thêm dấm với tỷ lệ 23%, trở thành acsen hóa trị 50. Qua chát, tiến sỹ giấy Sogonku ở phòng thí nghiệm Scotland thều thào thông báo với hãng thông tấn meongoan rằng, đây là thứ thuốc độc vô cùng khủng khiếp, nếu dùng với liều luợng cao có thể giết người trong nháy mắt, còn với liều lượng thấp cũng gây rối loại trí óc, từ chỗ say mê nhạc cổ điển ra thần tượng nhạc vàng, nhạc sến…

Người ta thường nói, mật ong trong tay kẻ ngu dốt cũng thành hoạ. Thế mà thứ mắm tôm thuốc độc này đã lọt vào tay kẻ độc ác và nhiều âm mưu thủ đoạn, khiến Hà Nội và các tỉnh lân cận bùng phát dịch tiêu chảy cấp. Nhiều đoạn đường vắng bóng người qua lại, đặc biệt khu vực phố Cầu Gỗ, cách Hồ Gươm 50m về phía không rõ.

Chân dung kẻ khủng bố bí ẩn

Điều làm đau dầu tổ phá án và phóng viên đặc biệt của hãng thông tấn meongoan là tìm động cơ của hành động khủng bố này. Nguyên nhân cướp của đã bị loại trừ vì hầu hết các nạn nhân khi tỉnh lại trong bệnh viện đều thấy nguyên vẹn tài sản. Hầu hết đều khai báo rằng, kẻ ra tay chiều cao khoảng 1m55, béo ỉn, đeo mặt nạ đen nhưng mặc áo quần sặc sỡ, thường bất thần tung ra một lượng mắm tôm cực lớn gây u mê choáng váng rồi hạ lệnh bằng chất giọng đa đá Thanh Hóa, bắt phải uống mắm tôm trong nháy mắt. Thế rồi, họ lâm vào tình trạng hôn mê sâu khi đã cho vào bụng một lít mắm tôm và đến khi tỉnh dậy thường là đã ở trong bệnh viện…

Không lấy tiền và tài sản có giá trị như USD, vàng, đá quý…, vậy đâu là động cơ của kẻ hạ độc chiêu? Sau khi tỉnh táo hẳn, các nạn nhân mới nhớ đến túi CD mang theo người đã không cánh mà bay. Anh Minh, nhân viên Ngân hàng ngoại thương Việt Nam, một trong số những nạn nhân mới tạm hồi phục, phần nào lấy lại trí nhớ trả lời phóng viên hãng meongoan rằng, anh vừa khệ nệ đi ra từ cửa hàng CD số 5 Đinh Liệt với một số lượng CD lớn opera mới nhập khẩu từ Trung Quốc về Hà Nội, đã tối tăm mặt mũi và mất sạch trong nháy mắt. Nói đoạn, anh khóc nức nở, những dòng nước mắt lăn dài trên gương mặt tròn trĩnh, trắng trẻo…

Bằng những biện pháp nghiệp vụ, tổ phá án đã nhanh chóng khoanh vùng và xác định được những đối tượng nghi vấn, đó là đội bảo kê gồm ba thành viên, nghề nghiệp sinh viên kiêm bảo kê, đứng đầu là đội trưởng Elibron Thanh Hóa chính gốc, hai kẻ bậu sậu là hai đội phó Troixanhnangvang và Ara lé. Để tìm ra bộ ba bảo kê phải kể đến sự thành khẩn khai báo của một kẻ non gan là YIH. Với quyết tâm làm cách mạng kiểu Phạm Duy, YIH đã không chịu được cảnh sống lẩn quất đã dinh tê về thành mua CD opera. Tinh thần “đổ thêm dầu vào lửa”, YIH đã thêm thắt nhiều chi tiết để bổ sung nhiều tội danh cho bảo kê, nhất mực “Di quela pira…” và “La dona e mobi le”… Ngoài ra, trên blog của đội trưởng Eli còn có một entry về salon 68 Cầu Gỗ. Hóa ra, âm mưu của đội bảo kê là dần dần khépchặt vòng vây, tập kích kho CD nhạc cổ điển của chủ nhân Cobeo. Thật thâm độc và đầy dã tâm!

Tuy nhiên, đội bảo kê lại chưa phải là kẻ chủ mưu trong vụ kỳ án mắm tôm này. Kẻ đứng đằng sau giật dây lại là một mafia kiêm tài phiệt buôn rau Chohu, tức ttdungquantum. Y đang sống ở nước ngoài nhưng ai cũng hy vọng rằng, “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, một ngày không xa sẽ sa lưới pháp luật.

Các hình phạt chưa được liết lộ nhưng theo đề xuất của hãng thông tấn meongoan, nên để đội bảo kê và YIH về lao động cải tạo ở trang trại meongoan, một mô hình tiên tiến mang tên “Những ngọn cờ trên tháp” chuyên dạy dỗ trẻ em hư, phạm pháp.

Published in: on November 1, 2007 at 11:11 am  Comments (9)