“Giấc mộng đêm hè” trong chủ nghĩa Lãng mạn

felix_mendelssohn_by_james_warren_childeFelix Mendelsshohn (1809-1847)

“Giấc mộng đêm hè” trong chủ nghĩa Lãng mạn

Trong quãng thời gian từ 1997 đến 1810, thế giới đón nhận 4 nhà soạn nhạc vĩ đại của kỷ nguyên Lãng mạn là Franz Schubert (1797-1828), Felix Mendelssohn (1809-1847), Robert Schumann (1810-1856) và Federyk Chopin (1810-1849). Ngoại trừ Robert Schumann qua đời ở tuổi 46, không ai trong số họ sống qua cái ngưỡng 40 tuổi, dường như những dấu hiệu của số phận dưới cái tên bệnh tật, đói nghèo đã ngăn không cho các nhà soạn nhạc tài năng duy trì cuộc sống để sáng tác. Ngay cả Felix Mendelssohn, một trường hợp hi hữu trong thế giới cổ điển là sinh ra dưới ánh sáng của một ngôi sao tốt, cũng không vượt qua được cái ngưỡng định mệnh này.

200 năm sau ngày nhà soạn nhạc Đức Felix Mendelssohn ra đời, các nhà phê bình âm nhạc trong quá trình nghiên cứu về ông, đã nhận thấy rằng sự chăm chỉ, chuyên cần của Mendelssohn đủ để thấy số lượng tác phẩm không thua kém Mozart hoặc Bramhs. Tuy nhiên, có một nghịch lý, âm nhạc của các nhà soạn nhạc tiền bối này luôn được tìm kiếm gần như đầy đủ, nhiều dàn nhạc và nghệ sỹ độc tấu thường tập trung biểu diễn những tác phẩm hay nhất của họ. Còn đối với Mendelssohn, thường một phần ba các tác phẩm của ông, khoảng 270 trong số 750 tác phẩm, là chưa được công bố hoặc chưa được biểu diễn. Điều này có vẻ khó hiểu với một thần đồng âm nhạc như Mendelssohn, người đã được ví với Mozart khi bộc lộ những năng khiếu sáng tác ngay từ rất nhỏ. Theo các nhà nghiên cứu tiểu sử, Mendelssohn đã có buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng vào năm 9 tuổi. Vào năm 1821, nghĩa là mới 12 tuổi, Mendelssohn đã sáng tác 12 Fugues cho tứ tấu đàn dây. Cũng vào thời điểm này, qua sự giới thiệu của người thầy, Karl. F. Zelter, Mendelssohn đã gặp Johann Wolfgang von Goethe, một trong những bộ óc vĩ đại của thi ca Đức. Đây là chuyến đi quan trọng đối với Mendelssohn khi được lưu lại trong ngôi nhà của nhà thơ vĩ đại 72 tuổi trong 2 tuần. Trong một lần nghe bản tứ tấu pinao cung Xi thứ do Mendelssohn sáng tác, Goethe đã không dấu nổi niềm vui bởi nhà soạn nhạc trẻ tuổi đã đề tặng ông tác phẩm này. Goethe đã từng được nghe Mozart chơi đàn vào năm 1763 và gần 60 năm sau, lại được chứng kiến sự hé mở của một thần đồng âm nhạc mới. Có thể nói rằng, Goethe đã bị tài năng của cậu bé Mendelssohn mê hoặc và sau đó cả hai đã thường xuyên trao đổi thư từ cho nhau. Những đánh giá của Goethe về tài năng của Mendelssohn trên thực tế đã hết sức có lợi cho sự nghiệp của cậu sau này. Châu Âu hồ hởi đón nhận một thiên tài âm nhạc mới, người được Goethe dự báo có thể thay thế được sự mất mát lớn kể từ khi Mozart qua đời vào năm 1791. Ở tuổi 16, Mendelssohn viết bản Bát tấu cung Mi giáng trưởng, tác phẩm đầu tiên báo hiệu sức sáng tạo của thiên tài âm nhạc. Bản Octet này và overture lấy cảm hứng từ “Giấc mộng đêm hè” của Shakespeare, được viết một năm sau, đã trở thành tác phẩm được biết đến nhiều nhất trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của Mendelssohn. Hai tác phẩm sáng chói này đã được cả châu Aâu chào đón và luôn có mặt trong danh mục biểu diễn của các dàn nhạc lớn.

Vậy tại sao nhiều tác phẩm âm nhạc của Mendelssohn lại bị rơi vào quên lãng và ít được biểu diễn trong một thời gian dài? Khiếm khuyết này (hoặc nếu chỉ là khiếm khuyết) phần lớn là do chính bản thân Mendelssohn. Không giống như các nhà soạn nhạc đồng nghiệp khác, những người buộc phải kiếm sống từ các hoạt động biểu diễn, ông được hưởng một cuộc sống no đủ mà không phải làm việc. Và với một định kiến thâm căn cố đế, ông không thích công bố các tác phẩm của mình rộng rãi, ông chỉ cảm thấy cần đến hiệu quả của việc công bố tác phẩm vào thời điểm cuối cùng, mặc dù vẫn không hoàn toàn sẵn sàng cho điều đó.

Nhìn lại sự nghiệp của Mendelssohn, người ta mới cảm nhận được sự chuyên cần của ông. Bên cạnh công việc sáng tác, ông còn chỉ huy dàn nhạc Leipzig Gewandhaus, sáng lập Học viện âm nhạc Leipzig và làm hồi sinh tác phẩm lớn, oratorio (thanh xướng kịch) “St Matthew Passion” viết cho dàn hợp xướng của Johann Sebastian Bach. Với cái chết ở tuổi 38, Mendelssohn được tôn sùng ở Đức (và cả ở Anh, nơi ông đã từng sống một thời gian dài). Khi lật lại tiểu sử của Mendelssohn, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, dù đã qua đời ông vẫn là nạn nhân của chủ nghĩa bài Do Thái. Kẻ chủ mưu được xác định là Richard Wagner, nhà soạn nhạc có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống âm nhạc Đức nửa cuối thế kỷ 19. Wagner cố gắng sáng tạo ra cụm từ “chủ nghĩa Do thái trong âm nhạc” để ám chỉ âm nhạc của Mendelssohn, và được đăng trên báo chuyên về âm nhạc ở Leipzig vào năm 1850, tức là 3 năm sau khi Mendelssohn qua đời. Những công kích thủ yếu của Wagnernhằm chống lại Mendelssohn, trong sự cường điệu hóa, là âm nhạc của Mendelssohn quá trau truốt. Điều đó cũng giống như suy nghĩ của Wagner đối với nghệ thuật Đức thời kỳ đó và không chỉ riêng Mendelssohn là nạn nhân của Wagner. Dẫu sao thì một người nhạy cảm như Mendelssohn đã bị tổn hại nặng nề bởi cuộc tấn công của Wagner. Wagner đã từng viết bài về Mendelssohn dưới một bút danh là K. Freigedansk (“Nhà tư tưởng tự do”), trong đợt bị lưu đày ở Thụy Sỹ và đăng tải trên một tờ báo phát hành 1.200 bản. Tuy nhiên, Mendelssohn đã không đáp lại bài báo này mà chỉ có một vài phản ứng từ nhà soạn nhạc Ignaz Moscheles và một số người khác của Học viện âm nhạc Leipzig.

Có thể nói rằng, Wagner đã tận dụng được sức mạnh của báo chí và những cố gắng dưới cái tên nhiều sức nặng của ông đã khiến phong trào bài Do thái nảy mầm khắp nước Đức. Wagner và vòng tròn định hướng độc ác của ông đã nhắm đến cả Johannes Brahms, người giống như Mendelssohn, bị Wagner miêu tả là đại diện cho sự thủ cựu của âm nhạc Đức trong khi Wagner có ý niệm “âm nhạc của tương lai”. Ngày nay, cuộc chiến Wagner-Brahms được xem như một điều kỳ quặc với khán giả nhạc cổ điển, những người có thể khâm phục, khen ngợi tất cả mọi thứ trong quá khứ. Nhưng khi giọng terno của Wagner vang lên đã tấn công v�
�o Mendelssohn vẫn bị coi là điều đáng xẩu hổ hơn bao giờ hết, bởi vì về sau này, nó được nhân rộng trong kỷ nguyên phát xít. Mendelssohn đã bị đối xử một cách tàn nhẫn và hung bạo vào thời kỳ đó: Đảng Đức quốc xã đã cấm không cho những cái tai Đức nghe âm nhạc của ông cũng như của các nhà soạn nhạc Do thái khác.

Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng Wagner cũng tôn trọng những sáng tác trong thời kỳ đầu của Mendelssohn. Trong những năm cuối đời, Wagner đã chơi bản overture “Giấc mộng đêm hè” trên cây đàn piano và hát lên giai điệu của bản nhạc này cho những đứa con của mình nghe. Mendelssohn thậm chí còn thường hiện lên trong giấc ngủ của Wagner, có đêm Wagner đã mơ thấy người đồng nghiệp cũ của mình. Và tác phẩm cuối cùng của Wagner “Parsifal” đã trả lại sự tôn kính Mendelssohn trên trang tổng phổ.

Vậy những điều này đã khiến cho âm nhạc của Mendelssohn không được vang lên? Không phải như vậy, kể từ sau cái chết của ông, người yêu nhạc cổ điển vẫn thường nghe trọn vẹn những sáng tác đẹp nhất trong sự nghiệp: bản giao hưởng số 3, 4 và 5, Violin concerto cung Mi thứ, 2 bản piano concerto, tác phẩm “Hebrides” và overtures “Giấc mộng đêm hè, “Elijah,” bản octet, tập tác phẩm “Bài ca không lời”.

Các nhà nghiên cứu âm nhạc không ai là không hiếu kỳ về những điều đã tồn tại đối với di cảo của Mendelssohn. Ngay cả khi lệnh cấm của Đức quốc xã ban hành vào năm 1936 thì những bức thư và các tác phẩm âm nhạc chưa được công bố của ông đã được ký gửi bí mật ở Prussian State Library tại Berlin. Sau khi lệnh cấm được ban hành, người quản lý thư viện với suy nghĩ rằng Mendelssohn là một phần quan trọng của di sản âm nhạc Đức nên quyết định gửi những văn bản quan trọng này tới Ba Lan, để cứu chúng thoát khỏi sự tàn phá. Đây là điều may mắn với Mendelssohn bởi Đức quốc xã đã đốt khoảng 20.000 cuốn sách, phần lớn được lấy từ thư viện, bao gồm các tác phẩm của Thomas Mann, Erich Maria Remarque, Heinrich Heine, Karl Marx và nhiều nhà văn, nhà tư tưởng khác. Và khi Đức quốc xã tấn công Ba Lan, tác phẩm của Mendelssohn đã được vội vã đưa đi phân tán khắp thế giới.

Khi ban hành lệnh cấm với âm nhạc của Mendelssohn, Đức quốc xã đã làm ngơ trước một sự thật, chính Mendelssohn chứ không phải ai khác đã làm sống lại Bach, một niềm tự hào của âm nhạc Đức, thông qua việc phát hiện và dàn dựng oratorio “St Matthew Passion”. Những người tôn sùng Bach có thể không bao giờ quên được ngày 11-3-1829, khi Felix Mendelssohn với những nỗ lực của mình, đã đưa tác phẩm này ra mắt công chúng, đồng thời đánh thức dậy một huyền thoại âm nhạc.

Hehe, bài này trên Tia sáng bị chú Thành cắt đi vì tội nhiều tư liệu dài dòng quá. Mà mình thì có tật thích nhiều tư liệu, tham lam chả muốn bỏ thứ tư liệu nào đi cả. Còn phần box “Đánh thức “St Matthew Passion” thì cố tình không dịch phần nói về nội dung và kết cấu tác phẩm để phù hợp với Tia sáng, nhưng cũng bị cắt đầm đìa, hehe.

Published in: on April 16, 2009 at 9:36 am  Comments (1)  

Anton Arensky – Isaac Levitan

sov-17

Sáng, bầu trời xam xám, nặng nề nhưng không khí lại se se dễ chịu. Cảm giác thanh khiết, tĩnh lặng lạ lùng. Hợp với chamber music. Nhắc đến chamber music lại nhớ đến Anton Arensky.

Anton Arensky không phải là một nhạc sỹ Nga nổi tiếng, tên tuổi của ông bị chìm lấp giữa những nhạc sỹ nổi tiếng của Nga khác như Scriabin, Stravinsky… Thậm chí, phần tiểu sử của ông bằng tiếng Anh cũng chỉ đơn giản ngắn ngọn vài dòng, không hơn không kém. Các sáng tác của ông phần lớn là chamber music. Khuynh hướng sáng tác thiên về lãng mạn, có thể chịu nhiều ảnh hưởng của Tchaikovsky nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Arensky còn bị ảnh hưởng bởi Frank, Mendenssohn, Chopin… Hiển nhiên, âm nhạc của Arensky lãng mạn một cách tự nhiên, thấm đẫm chất u sầu của tâm hồn Nga, kết cấu các tác phẩm trong trẻo và mang tính cân xứng cổ điển.

Arensky dạy học ở Nhạc viện Maskva, những người học trò ưu tú của ông là Rachmaninoff, Scriabin và Gliere Trong thời gian ở Maskva, Arensky đã gặp gỡ Tchaikosky, người sau này trở thành người bạn lớn, cố vấn đáng kính của ông. Anton Arensky còn được chính Balakirev tiến cử giữ chức giám đốc của Imperial Chapel, St Petersburg từ năm 1895 đến 1901.

Anton Arensky là học trò của Nikolai Rimsky Korsakov. Chính Korsakov đã từng nói: “Thời trẻ tuổi, Arensky đã không thể thoát khỏi sự ảnh hưởng của tôi, còn sau đó bị ảnh hưởng bởi Tchaikovsky. Anh ta sẽ nhanh chóng bị lãng quên thôi”.

Rimsky Korsakov có thể có lý khi nói điều này, bởi ở thời điểm này, ít tác phẩm nào của Arenky được thu âm và biểu diễn, ngoại trừ Trio op 32. Tác phẩm đề tặng một người bạn thân thiết của ông, nghệ sỹ cello Charles Davidoff.

Trio viết cho violon, cello và piano op 32 của Arensky là một tác phẩm thính phòng xuất sắc. Âm nhạc thuần khiết và trong trẻo, đặc biệt vẻ đẹp cân đối lạ thường ở chương 2. Chương 1 của tác phẩm được bắt đầu bằng giai điệu trữ tình của violon và là chủ đề trữ tình của chương. Chủ đề ám ảnh này cũng xuất hiện ở phần cuối chương, chầm chậm như một lời giã từ. Chủ đề thứ hai xuất hiện từ tiếng đàn cello và mang tính biểu cảm trái ngược, tràn đầy hy vọng và vui mừng. Sự phát triển của chương nhạc bị xen kẽ bởi hai chủ đề luân phiên, giữa “chủ đề giã từ” và một hình thức mang tính chất vui vẻ mới.

Chương 2 của tác phẩm là một khúc scherzo và được xâm chiếm hoàn toàn bởi tiếng nẩy đầy ấn tượng của chiếc vĩ. Sự tương phản của những gam nhanh và tiếng pizzicatti đã trở thành phần chính yếu của chương, trio của phần scherzo mang màu sắc trang nhã, tươi tắn, rộng mở. Tiếng đàn cello và violon xen kẽ, luân phiên và liên tục trên chủ đề chính trong khi cây đàn piano đem lại điệu nhảy rộn ràng.

Chương 3 là khúc bi ca Elegia chính là sự lên tiếng hùng hồn của đàn dây và là lời đề tặng hùng hồn nhất dành cho nghệ sỹ cellist vĩ đại Davidoff. Tốc độ nhanh ở phần giữa chương sẽ trở thành phần trích dẫn trong phần coda chương 4.

Chương 4 mang nhịp điệu mạnh mẽ, dứt khoát và đưa tính trữ tình tới cực điểm. Nó ngay lập tức cho thấy sự phảng phất của chương Elegia và chủ đề chương 1 trở lại trong nhịp điệu chậm rãi adagio tempo. Sự mong ước đã không kết thúc trong ảm đạm, chương 4 trở lại nhanh chóng với nhịp độ nhanh. Những ký ức âm nhạc đẹp đẽ khép lại bằng điệu nhảy của niềm vui chiến thắng và sự mạnh mẽ.

Published in: on April 8, 2009 at 3:46 am  Leave a Comment