Đánh cảm

Ngày bé, tôi thuộc lại “thằn lằn rắn ráo”, chạy nhảy nô đùa nhiều, hết vày nước ngoài đồng lại bêu nắng bắt chuồn chuồn, cào cào châu chấu, dính ve… nên hay bị cảm. Mỗi lần thấy tôi sụt sịt, nằm yên một chỗ không chạy nhảy như mọi khi là mẹ lại biết ngay là tôi ốm. Khi ấy, mẹ thường lẳng lặng đi rang cám đánh cảm cho tôi. Cũng như nhiều gia đình thời bao cấp, trong nhà tôi luôn có hàng thùng cám để nuôi lợn. Người ta bảo, trong cám gạo có cả mày thóc, cả mầm nên chứa nhiều vitamin B1 gì đó (có lẽ vì thế mà ngày nay, nhiều quý bà quý cô hay lấy cám yến mạch để đắp mặt nạ dưỡng da). Với mẹ tôi, cám còn là thứ nguyên liệu quý báu trợ giúp khi bắt tay vào đồ xôi. Ngày trước chưa có nồi nấu xôi chuyên dụng như bây giờ, người ta thường nấu bằng chõ. Để cho kín hơi, mẹ tôi lấy cám hòa ít nước nóng thành thứ hồ lỏng sền sệt phết vào phần giáp giữa nồi nước đáy và chõ. Mẹ tôi đồ xôi rất ngon và tôi đồ rằng, cái ngon đầu tiên từ nắm xôi hoa cau ngày bé cũng là từ việc được ngắm nhìn mẹ tỉ mẩn miết hồ cám gạo….

Mẹ tôi lặng lẽ ngồi rang cám, khi nào mùi cám thơm lừng tỏa lên từ bếp là tôi biết rằng “hình phạt” đã đến. Tôi khiếp sợ những lần đánh cảm, sợ cái cảm giác gói cám nóng bỏng chạy trên lưng nhưng lúc mải chơi chả bao giờ nhớ đến điều đó… Hình như ngoài cám rang, mẹ thường cho thêm tóc rối, đồng bạc trắng rồi gói tròn lại vào chiếc khăn mùi soa, cái khăn mẹ vẫn thường lấy làm quai cho chiếc nón lá già đội đầu. Lúc ấy, tôi biết rằng không thể chạy lẩn đi trốn mẹ được nữa, đành nằm sấp thượt ra giường. Mẹ vừa miết cái gói tròn tròn nóng bỏng ấy lên lưng tôi, vừa cằn nhằn con gái mà nghịch như quỷ, chả chịu ngồi nhà học bài, toàn chạy theo đám trẻ con cùng xóm bêu nắng, hại sức khỏe, chả như con nhà người ta, học xong rồi quay ra làm giúp mẹ việc nhà. Tôi không dám nói gì vì đúng là mình sai thật, mà cũng chả nói được vì còn mải để ý từng đường miết dài trên lưng mình. Nóng kinh khủng, tôi giãy lên ăn vạ mẹ, nhất là khi bị rờ đến đánh cảm ở gan bàn chân, gan bàn tay… Lúc đi chơi, đuổi theo con chuồn chuồn ớt đỏ chót, con chuồn chuồn bà khôn ranh, đậu tí lại lượn lờ, con chuồn chuồn nước chấp chới ở cọc ao, con cào cào tre to tướng, con muồm muỗm béo mập… lại quên phắt ngay những lần đánh cảm. Chả trách được, nắng thì vàng rực rỡ, gió thổi lồng lộng và trời xanh biêng biếc, đến đám nhà chuồn chuồn còn bay lượn như trảy hội nữa là… Bài thì học rồi, tủ sách cũng chả còn cuốn nào là chưa đọc, chả còn lý do nào ở nhà nữa. Mà nhảy đi chơi bao giờ cũng thích, nô nghịch thoải mái lại còn vặt được quả ổi, quả bứa ăn, nướng con muỗm thơm ngầy ngậy, mỡ nhỏ sèo sèo… Thế là hết cả hối hận!

Mấy thứ tưởng như bình thường như cám, tóc rối ấy thế mà lại chữa cho tôi khỏi cảm hơn bất kỳ thứ thuốc nào. Đánh cảm xong, người nhẹ lâng lâng, tưởng như nhún chân là có thể chạy ngay ra ngõ được. Tuổi thơ tôi trôi đi với những lần đánh cảm như thế!

Sau này, lớn lên, tôi còn được biết ngoài đánh cảm bằng cám còn có nhiều loại khác như bằng dầu gió, chanh, gừng rượu… Thứ nào cũng công hiệu cả.

Mấy hôm nay, bị cảm cúm, không có mẹ ở bên để rang cám đánh cảm, tôi sai cô cháu đi mua chai rượu cúng bé tí về giã gừng, hòa ra đánh cảm. Gớm, gừng rượu đi đến đâu, người nóng lên đến đấy, da đỏ như tôm luộc. Ngồi dậy, nhẹ cả người! Rồi bần thần nhớ đến mẹ và những lần đánh cảm ngày xưa.

Published in: on September 30, 2007 at 5:17 am  Leave a Comment  

Nhạc cổ điển và…

Hôm qua thật là ngày kinh khủng. Ngồi lỳ một buổi chiều sản xuất liền tù tì 4 bài. Toàn chỗ “tình nghĩa” nên không đành được. Ngón tay gõ liên hồi, chả kém gì Kissin trổ ngón Campanella hay Richter thu âm chương ba sonata 17 “Tempest”. Dù không gõ được mười đầu ngón tay nhưng quả tình tốc độ thật khủng khiếp. Mắùt nhìn màn hình nhiều đến mờ cả đi, choáng váng. Viết nhiều đến chai cả người, chả kém món “cơm nguội rang lại”.
Hết cả một ngày mệt mỏi (sáng họp, chiều gõ), lê bước về nhà, cố ăn được hai lưng cơm rồi nằm thượt ra. Cuộc sống đôi khi lại bố trí cho mình những ngày mệt mỏi để khỏi phải suy nghĩ nhiều. Buổi trưa qua Tia tối đưa bài của NA, được chú Thành cho mượn CD mấy bản concerto violon, horn, oboa của R.Strauss … Tối qua, mình nghe đi nghe lại bản concerto violon. Tác phẩm này viết ở thời kỳ đầu sáng tác của R.Strauss nên còn mang đậm phong cách cổ diển – lãng mạn. Tuy nhiên, có cái gì đấy ở bản nhạc khiến mình xao xuyến không yên. Chương 2 như một khúc tự sự, buồn da diết với nỗi cô đơn khác thường khiến mình liên tưởng đến chương 2 canzonetta của concerto vion Tchaikovsky. Mình nghĩ, có lẽ R.Strauss không phải dạng “tư sản phòng khách” và dù năm 1882 (năm sáng tác tác phẩm này), ông mới 18 tuổi nhưng đã sớm trưởng thành để ưu tư về nhân tình thế thái hay đại loại như thế. Chương ba cũng hay, kỹ thuật violon tuy chưa so sánh được với concerto của H. Wieniawski nhưng cũng khá ổn, phần cho dàn nhạc còn nhỉnh hơn, rất khúc chiết, báo hiệu sự xuất sắc ở các tác phẩm giai đoạn sau này, kiểu giao hưởng thơ Don Quichotte. Có lẽ, khó có thể đặt bên cạnh những concerto của Beethoven hay Brahms nhưng với bản concerto này, R. Strauss đã chứng tỏ mình là người kế tục xứng đáng truyền thống của âm nhạc cổ điển Đức cũng như âm nhạc thế giới. Hehe, bác này Đức hơn cả Wargner nhưng không hung hăng bằng.
Đoạn cuối của buổi tối là “Maskva không tin vào giọt nước mắt”. Cô cháu thì ngủ khò từ lâu còn mình thì xem một mạch. Xem lại đến lần thứ mấy rồi vẫn thích, thảo này thập niên 80-90 bộ phim gây một cơn sốt trong giới trẻ Việt Nam. Hai bà chị mình, rồi cả mấy người bạn nữa, suốt ngày ngồi tán về bộ phim này. Một câu chuyện đầy xúc động và lãng mạn về ba cô gái trẻ trước những sự lựa chọn về tình yêu, cuộc sống. Nhiều biến động của cuộc đời, nhiều ngã rẽ không ai lường trước được đã xảy ra và chỉ có sự gắn bó, tình cảm chân thật, lòng tự trọng và kiên định trước điều mình đã lựa chọn mới đem lại hạnh phúc. Anh Goga (tên gọi thân mật của Grigori) cuối cùng đã quay lại, xứng đáng là người đàn ông đích thực để đem lại hạnh phúc cho hai mẹ con Alerxandra.
“Alerxandra, Alerxandra…”, hài hát như một khúc tâm tình rằng “Maskva không tin vào giọt nước mắt, Maskva chỉ tin vào tình yêu”, keke.

Published in: on September 28, 2007 at 10:08 am  Comments (2)  

Con sóc tự do

Từ trước đến nay, mình mới chỉ nhìn thấy con sóc trong vườn bách thú. Gớm, chả hay hớm tí nào, nhất là theo thuyết “chăn thả tự do” của đội trưởng đội bảo kê thì việc nhốt sóc rút cục cũng chỉ làm khổ nó, khổ người chăm. Lúc nào cũng chăm chăm ở giữa cái lồng sắt, trong khi bên ngoài cây cỏ tốt tươi, nắng gió tràn trề, không khí tươi mát kiểu “chó rừng và chó nhà”. Dẫu được chăm sóc, cho ăn uống đầy đủ thì cảnh nuôi nhốt như thế, con sóc nào chả chán…

Thế rồi một buổi sáng chủ nhật nào đó từ năm ngoái, ngồi ở Chim xanh cùng đội bảo kê, thấy bảo kê chỉ chỏ con sóc nào đó đang leo tít trên cây xoài phía nhà đối diện. Mình cũng nhìn theo tay nó chỉ, thế mà chẳng thấy con sóc nào bởi lúc đó vẫn chưa đeo kính. Thật tiếc vì mình lỡ mất cơ hội được ngắm chú sóc ở môi trường tự nhiên. Chú này khôn thật, chọn “khu vực nằm vùng” thật hợp lý. Đoạn phố Khúc Hạo ngắn tẹo, chạy chưa toát mồ hôi đã hết phố, xanh um bao nhiêu loại cây, từ xoài, dừa sang mít, trứng gà, nhãn, khế, sấu…, đã thế còn nối dài sang bên đường Trần Phú ngút ngàn sấu, nghĩa là quanh năm chả khi nào thiếu quả ăn. Mà con sóc này thì chắc về khoản ăn vặt chắc chả khác gì bảo kê!

Bẵng đi một thời gian, mình lại được thấy bọn cùng cơ quan nói chuyện về một con sóc nào đó đã chọn phố Trịnh Hoài Đức làm chốn cư ngụ. Keke, trong chiều hè nắng đẹp, mình ngồi uống nước trên vỉa hè đầy lá sấu vàng rười rượi (xin tiết lộ một thông tin, cây sấu một năm ba lần rụng lá cơ đấy, chả cứ là mùa thu đâu. Thông tin này rất đáng tin cậy bởi chị quét rác phố Trịnh Hoài Đức đã đúc rút kinh nghiệm bao nhiêu năm làm việc bảo thế). Tự nhiên thấy bọn cơ quan nháo nhác, chỉ chỏ sang cây sấu phía vỉa hè đối diện rằng có một chú sóc đang chuyền cành trên đó. Lúc đó mình vẫn chưa có kính nên cũng chả biết đấy có phải là chú sóc của đội bảo kê hay không. Rồi vẩn vơ nghĩ là có phải do quá buồn chán cảnh “cá chậu chim lồng” mà chú sóc vườn bách thú đã chờ lúc người ta đem thức ăn vào, lẻn chạy ra ngoài sống tự lập hay không. Hà Nội có nhiều đường phố cây xanh bốn mùa như quanh khu vực đường Bưởi, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Trần Phú… nên nếu có chú sóc nào quyết chí tự lập, chắc hẳn không khó để tìm nơi cư ngụ và dễ dàng tìm được cái ăn. Với lại, được hít thở bầu không khí tự do thì có đói một chút cũng chẳng hề hấn gì, làm sao so sánh nổi một cuộc sống phóng khoáng giữa mây trời với một bầu không khí đầy tù túng ở giữa lồng sắt. Chả thế, chó rừng đã từ giã ngay lời mời của chó nhà mà yên tâm sống như trước.

Hôm qua, cậu gửi thư về, kể chuyện trường mới của cậu. “Bên này, trường đại học như một khu vườn lớn, trồng hoa rất nhiều. Hầu như chỗ nào cũng nhìn thấy những khóm hoa sặc sỡ đủ màu sắc… Ở đây có rất nhiều quạ và các loại chim khác. Sóc có khi còn nhiều hơn sóc bên chỗ ku Thế, bọn sóc nó nhảy tung tăng suốt ngày trên các thảm cỏ. Vì có rất nhiều cây nên ở đây là môi trường lý tưởng cho sóc, bọn sóc ăn quả cây rồi vứt vỏ vung vãi ra đường. A, hôm nào cậu thịt hết rồi phơi khô mang về cho mợ…”.

Đọc thư của cậu, mình chợt nhớ ra một đoạn rất thú vị trong tiểu thuyết “Trên bờ sông hoang vắng” của B.Polevoi: “Cây cối chỉ nhường chỗ cho các đường lớn, các dãy phố, các quảng trường. Bên cạnh một toà nhà đang xây là một cây bá hương cành lá um tùm. Sau những ngôi nhà là rừng tai-ga rậm rạp, chạy đến những dãy phố tương lai. Điều đó đem lại cho phong cảnh một sự quyến rũ đặc biệt. Một cây thông đứng sừng sững cạnh một tòa nhà chưa xây xong. Người kỹ sư nhác thấy tuyết chảy từ cành xuống vệ đường. Anh ngước mắt và thấy một nắm tròn, màu xám đang lục lọi trong vòm lá, những vảy đen từ một quả bá hương vứt ra, rơi xuống người anh, trong chốt lát anh quên nỗi phiền muộn và mỉm cười với con vật nhỏ linh lợi: được đấy, anh bạn sóc ạ”.

Nhân đây, lấy ảnh sóc của Songoku làm minh hoạ cho bài này. Tại cậu chưa có máy ảnh chụp đấy thôi, nếu Songoku thắc mắc gì, cứ gặp cậu, keke.

Published in: on September 26, 2007 at 9:39 am  Comments (6)  

Thư cậu

Mợ nhận được thư cậu
Giữa ngày tết Trung thu
Kìa cơn bão thứ tư
Đã tan thành áp thấp
Lòng mợ thấy náo nức
Dõi theo từng dòng thư
Dù là anh chó hư
Với mợ vẫn là nhất
Bao mối lo thường nhật
Cậu đi đứng thế nào
Chuyện ăn ở ra sao?
Một mình giữa đất lạ
Mùa đông về nhanh quá
Gió lạnh thổi từng cơn
Áo ấm mợ gửi sang
Vẫn còn thơm mùi nắng
Cậu nhớ lời mợ dặn
Đi bắt sóc thật nhiều
Thịt sóc được bao nhiêu
Gửi về ngay cho mợ.

P.S:
Mợ gửi thư cho cậu
Nước mắt chạy vòng quanh
Chỉ mong gửi thật nhanh
Qua mạng internet
Không cần ông bưu điện
Chả lo cả gió mưa
Vẫn bay đến tay cậu
Published in: on September 25, 2007 at 3:12 am  Comments (8)  
Tags:

Thứ sáu ngày 21-9-2007

Nhớ một buổi chiều mùa thu của năm học đại học thứ nhất, tôi nhận được lá thư nhà đầu tiên. Thư của mẹ. Tôi bóc ra và đọc trong giờ ra chơi… Không kìm được cảm xúc! Và đây là nguyên nhân khiến tôi quyết định sẽ không bao giờ đọc thư nhà ở chốn đông người. Sau đó, tôi thường cất thư đi và chỉ đọc trước khi đi ngủ.

Kỳ nghỉ Tết đầu tiên của quãng đời sinh viên. Tôi chưa về ngay mà tới nhà cô bạn ở Gia Lâm, chơi một buổi chiều rồi sáng hôm sau về chuyến tàu 9h30. Hôm ấy trời xám xịt bềnh bệch một màu, ga Gia Lâm thưa thớt như một ga xép nhỏ bé trên chuyến tàu tốc hành. Những đoàn tàu chở hàng nằm buồn bã ở phía mấy đường ray cũ mèm. Bạn tôi đưa ra ga, tiễn luôn đến tận chỗ ngồi. Cô ấy bảo “Thôi Nhàn về quê ăn tết vui vẻ cùng gia đình nhé!” rồi quay đi ngay, tôi cảm thấy có gì đó nghèn nghẹn… Hết tết, gặp lại bạn bè, cô ấy bảo: “Trông mặt mày lúc đó buồn thảm quá, tao không dám nói câu nào nữa”. Từ đó, tôi không đi tiễn ai và cũng chẳng muốn ai tiễn mình đi đâu nữa, dẫu là một chặng đường ngắn ngủi.

Và bây giờ cũng vậy, tôi chưa đủ can đảm vượt qua được điều đó.

Thế mà chiều hôm qua, ở Tia sáng, tôi cười và nói chuyện thật vui vẻ đến mức chú Thành và cô Hà cũng phải ngạc nhiên.

Chỉ có mấy người làm cùng cơ quan, cũng hay chuyện trò, nhận xét tôi dạo này trông xanh xao và hốc hác…

Cuộc đời thật kỳ lạ!

Nửa thế kỷ trước, mượn tích cổ thái tử Đan nước Yên tiễn tráng sỹ Kinh Kha qua sông Dịch Thủy hành thích Tần Thủy Hoàng, nhà thơ Thâm Tâm đã vẽ lên một khung cảnh bi tráng trong “Tống biệt hành”. Đây là bài thơ tôi rất thích nhưng có lẽ, đến bây giờ tôi mới cảm thấy thấm thía được tâm trạng của người đi – kẻ ở trong buổi tiễn đưa…

Tống biệt hành

(Thâm Tâm)

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy

Một giã gia đình, một dửng dưng

Li khách! Li khách! Con đường nhỏ

Chí lớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại

Ba năm mẹ già cũng đừng mong

Ta biết người buồn chiều hôm trước

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt

Một chị hai chị cũng như sen

Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay

Trời chưa vào thu tươi lắm thay

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt ướt

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

Người đi, ừ nhỉ người đi thật

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu cay.

Published in: on September 21, 2007 at 9:44 am  Comments (2)  

Cây lá lốt

Không như nhiều loài cây ưa ánh sáng khác, lá lốt nằm âm thầm ở góc vườn. Loài cây cần lao này dường như biết phận mình chỉ là thứ gia vị bỏ thêm cho các món ăn nên cũng khiêm tốn cả phần đất trồng. Cây lá lốt như người dân quê nghèo khó, chỉ cần bám vội vào mấy hòn đá, cục gạch, vẩn vơ nơi góc tường, lặng lẽ bò dưới tán rợp của các loại cây khác là có thể than thản sống. Thế mà vẫn sống khỏe, tốt um tùm không cần đến người chăm bón. Vào mùa hè, được mưa trời tưới tắm nhiều, lá lốt vươn mình bò lan, xanh mướt mát. Nếu bước vào khu vườn có trồng lá lốt, không cần tinh ý lắm cũng có thể cảm nhận được mùi hương đặc trưng của loài cây này.

Đừng tưởng lá lốt lặng lẽ thế mà không có “tên chữ” đâu nhé. Theo sách “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn thì lá lốt còn có tên gọi khác là lâu diệp. Lâu diệp lá hình tim, mọc cách, thân thảo, chắc cùng họ với trầu không, hồ tiêu… Cây hồ tiêu thường được trồng ở miền Nam, ít có điều kiện quan sát chứ trầu không và lá lốt thì gia đình nông thôn miền Bắc nào chả trồng, nhưng cũng là trước đây thôi. Nhà bà ngoại tôi cũng từng có một giàn trầu không và đám lá lốt mọc xanh um ở góc vườn, cạnh bụi mây đầy gai. Lá lốt cũng có hoa và thật buồn cười là hoa lá lốt lại nhang nhác giống hoa sói, một loài cây chả liên quan gì. Không thơm ngát hoa sói nhưng hoa lá lốt lại mang vị thơm… cay cay như vị lá lốt. Hình như lá lốt cũng có quả nhưng với bọn trẻ con, thứ quả nào không… ăn đến thì coi như nằm ngoài bộ nhớ. Trong vườn có biết bao loại cây có thể vừa chơi, vừa nghịch lại vừa bứt ăn nhẩn nha được, nhớ làm gì đến thứ quả này. Mà cũng chẳng thấy ai thu hoạch quả để giồng lá lốt bằng cách gieo hạt, đơn giản nhất là dúi thân lá lốt vào một góc vườn, kẽ đá nào đó. Một thời gian sau quên bẵng đi mất, đi qua chỗ đó mới ngạc nhiên thấy lá lốt xanh um tự bao giờ.

Lá lốt vị cay, tính nóng thường được làm gia vị cho các món ăn tính hàn cho hấp dẫn và thêm phần kịch tính. Người ta có thể gặp lá lốt trong món ăn dân dã như xáo ốc, cua đồng rang. Món xáo ếch “gà đồng” ngon như thế nếu không có lá lốt cũng hỏng việc. Lá lốt cũng thường được dùng để cuốn chả thịt lợn, thịt bò. Người ta vẫn bảo “Có lá lốt tình phụ xương xông”, ấy là để so sánh với một loại cây khác, cũng mang mùi vị đặc trưng là xương xông. Loài cây này tính lạ lắm, không thích chỗ đất trồng là “bay” ngay, hoặc giả bay lang thang qua vùng đất nào đó là có thể hạ cánh mọc lên. Lá xương xông ai ăn không quen bảo mùi như dầu hỏa nên thường người ta vẫn thích lá lốt hơn. Ôi dào, lá lốt hay xương xông ăn đều ngon cả! Hôm nào trời lạnh, bỏ cả hai vào nồi nấu bát canh suông, cũng ngon đáo để.

Lúc sinh thời, b

à tôi hay cho lá lốt vào bát nước rau muống, cho thêm cà chua và me, gọi là bát riêu nấu khổ, bát riêu của người nghèo không có tiền mua cá nhưng vẫn muốn và trôi bát cơm nóng giữa mùa đông giá rét. Với gia đình tôi, đây cũng là món ăn “gia truyền”, mỗi mùa đông về, bưng bát riêu nấu khổ lên, lại nhớ đến bà ngoại, một người phụ nữ vừa đẹp lại vừa tần tảo, tính cách mạnh mẽ, quyết đoán…

Published in: on September 18, 2007 at 10:32 am  Comments (1)  
Tags:

Nhà thơ của Tự nhiên

Jean-Jacques Rousseau viết về Linnaeus: “Tôi không biết con người nào trên trái đất này lại vĩ đại hơn ông.” Johann Wolfgang von Goethe thì viết: “Ngoại trừ Shakespeare và Spinoza, tôi không biết còn ai khác có thể ảnh hưởng đến tôi sâu sắc hơn ông.” Và nhà văn Thụy Điển August Strindberg nhận định: “Thực ra Linnaeus là một nhà thơ, ông chỉ tình cờ trở thành một nhà tự nhiên học”.

Ở Thụy Điển, mùa xuân thường đến muộn. Chính vì vậy mà lúc cậu bé Carl Linnaeus ra đời vào ngày 23 tháng 5 năm 1707 cũng là lúc mùa xuân tràn về ngôi làng nhỏ Stenbrohult. Cha của cậu là Nils Linnaeus, một người rất yêu cây cối và cũng là một nhà thực vật học nghiệp dư. Mẹ của cậu, Christina, mới chỉ 18 tuổi, vốn là con gái của một vị hiệu trưởng.
Khi Carl quấy khóc, mọi người thường đặt vào tay cậu một bông hoa để dỗ cậu nín. Hoa chính là ngưỡng cửa để Carl bước vào thế giới tự nhiên đẹp đẽ và đa dạng. Ngay từ khi còn nhỏ, Carl đã cảm nhận được rằng, những bông hoa không chỉ đẹp và đa dạng, chúng còn ẩn chứa một ý nghĩa nào đó.

Carl Linnaeus được coi là “người sáng lập ngành phân loại học,” chính ông đã xây dựng hệ thống tên kép bằng tiếng Latin để gọi tên các loài, vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Cũng chính ông đã nghĩ ra cái tên Homo sapiens để chỉ loài người chúng ta và đưa vào một danh mục các loài có vú bao gồm cả khỉ và vượn. Trong bối cảnh lịch sử thời đó, Linnaeus vẫn chưa phải là một nhà tiến hóa triệt để, ông vẫn chịu ảnh hưởng chủ yếu của thuyết Sáng thế – coi việc nghiên cứu tự nhiên chỉ là đi tìm những bằng chứng minh họa cho sức mạnh sáng tạo và bí ẩn của Thượng đế. Mặc dù vậy, một tiến bộ mang tính cách mạng mà Linnaeus đạt được là ông đã coi tính đa dạng của tự nhiên là một đặc điểm tự thân của nó chứ không bị chi phối hoàn toàn bởi thần học. Ông tin rằng, nhiệm vụ của loài người là phải khám phá, đặt tên, phân loại, tìm hiểu và nhận thức được tất cả các sinh vật trên Trái đất.
Cuốn sách Systema Naturae (Hệ thống Tự nhiên) nổi tiếng của Linnaeus được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1735 chỉ có hơn chục trang. Trong đó ông đã chỉ ra một hệ thống tự nhiên bao gồm ba giới: giới thực vật, giới động vật và giới khoáng vật. Đến năm 1770, trong lần xuất bản thứ 15, cuốn sách này đã có nội dung lên tới ba nghìn trang với rất nhiều sự chỉnh, mở rộng và bổ sung quan trọng. Sự phân loại giới thực vật của Linnaeus là một công trình đặc biệt xuất sắc, với tính sáng tạo và tính hệ thống cao. Khi nhận ra rằng, các bông hoa chính là những cấu trúc sinh sản của thực vật, ông đã sử dụng nhị và nhụy của chúng để làm đặc trưng cho các nhóm phân loại. Ông đã phân ra được 23 lớp cây có hoa (lớp thứ 24 là các cây không nở hoa) dựa trên số lượng, kích cỡ và sự sắp xếp các nhị của chúng. Trong mỗi lớp đó, ông lại thực hiện sự phân chia theo các trật tự dựa trên đặc điểm nhụy của mỗi loài.
Sau Systema Naturae, Linnaeus còn xuất bản thêm nhiều cuốn sách nổi tiếng nữa như Flora Suecica (1745), Philosophia Botanica (1751) và Species Plantarum (1753). Đối với Linnaeus, nếu ta có thể tìm ra một phương pháp nào đó để phân loại thực vật thành các nhóm thì khi đó ta có thể khám phá ra được “những quy luật bí mật của Thượng đế” trong việc sáng tạo ra các loài, cũng giống như Newton đã khám phá ra “toán học và vật lý của Thượng đế”. Mặc dù, Linnaeus đã chưa thể tưởng tượng được rằng, sự phân loại các loài một cách tự nhiên nhất là phải dựa trên nguồn gốc tiến hóa của chúng nhưng niềm say mê của ông – đi tìm trật tự của tự nhiên – đã tạo dựng nền tảng phân loại học cho những tư tưởng cách mạng sau này của Charles Darwin.

Ngôn ngữ của Linnaeus
Những công trình khoa học của Linnaeus đã tạo nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà thơ viết thơ để mô tả tự nhiên. Cũng có nhiều bài thơ viết về ông và dành tặng cho ông. Điều thú vị là, khi đọc những bài thơ đó, người ta sẽ có thể tiếp xúc với lịch sử của khoa học về tự nhiên qua hàng trăm năm.
Bản thân những ghi chép nghiên cứu hàng ngày cũng được Linnaeus viết bằng một phong cách ngôn ngữ giống như thơ, thậm chí nhiều người đã khẳng định rằng đó thực sự là thơ – “những bài thơ về nghiên cứu tự nhiên.” Một trong những người đầu tiên chú ý đến ngôn ngữ của Linnaeus là nhà văn August Strindberg, người mà trong những năm 1880 đã hết lời ca ngợi “ngôn ngữ thơ ca” của Linnaeus. Đến đầu thế kỷ 20, ngôn ngữ của Linnaeus bắt đầu được phổ biến và yêu thích rộng rãi, các nhà nghiên cứu văn học cho rằng, phong cách ngôn ngữ đó không chỉ trong sáng, súc tích mà còn hay và truyền cảm. Tình yêu và cách tiếp cận thiên nhiên của Linnaeus đã trở thành một truyền thống tốt đẹp trong đời sống văn hóa giáo dục ở Thụy Điển cũng như ở các nước châu Âu khác.
Eramus Darwin (ông của Charles Robert Darwin vĩ đại) vì rất say mê ngôn ngữ thơ ca khoa học của Linnaeus nên đã dịch lại những công trình phân loại học quan trọng của ông. Eramus còn tích cực nghiên cứu và phát triển thêm phương pháp phân loại học Linnaeus và cố gắng áp dụng nó cho ngành y dược. Trong quá trình theo đuổi phương pháp Linnaeus, Eramus Darwin cũng chính là một trong những người đầu tiên, độc lập với Jean-Baptiste Lamarck, đưa ra ý tưởng cho rằng tiến hóa là một quá trình lịch sử và ngẫu nhiên.

Linnaeus và Goethe
Trong những bài nghiên cứu về thực vật học của mình, Johann Wolfgang von Goethe vẫn thường nhắc đến Linnaeus một cách đầy ngưỡng mộ. Thậm chí Goethe còn thừa nhận rằng, cùng với Shakespeare và Spinoza, Linnaeus chính là một trong ba người thầy lớn nhất của ông.
Sinh ra ở Frankfurt, Goethe đã được học nhiều về văn học và xã hội ngay từ nhỏ. Sau khi chuyển đến Weimar, nhà thơ mới trở nên quan tâm đến giới tự nhiên. Và chính những cuốn sách Termini botanici, Fundamenta botanica và Philosophia botanica của Linnaeus đã đem đến cho Goethe những nền tảng đầu tiên của khoa học về thực vật.
Goethe đã thực hiện những quan sát đối với các loài nấm, rêu, địa y và tảo. Sách của Linnaeus đã “khai sáng” cho ông những phương pháp tuyệt vời để phục vụ cho nghiên cứu. “Sách của Linnaeus không phải chỉ để đọc, chúng còn dạy cho tôi phải thường xuyên thực hành, quan sát, kiểm nghiệm. Và từ đó tôi tìm thấy ở tự nhiên những điều kỳ diệu,” Goethe viết.

Nguồn: Tiasang

Published in: on September 17, 2007 at 10:59 am  Leave a Comment  
Tags:

Vườn cây của meongoan

Keke, từ hôm nay, meongoan sẽ mở mục nhiều kỳ “vườn cây của meongoan” với nhiều bài hấp dẫn, minh hoạ phong phú, bắt mắt.
Kỳ 1: Cây na của mẹ
Đất nhà mình không rộng lắm, xây xong nhà còn lại một ít làm sân, vài chỗ đất “đầu thừa đuôi thẹo” để trồng cây cối. Hầu hết cây cối trong nhà đều do một tay mẹ trồng và chăm bón, mình chỉ “xí phần” vụ thu hoạch cây trái, khoản này hấp dẫn nhất.
Ngay bên cửa sổ bàn học, mẹ mình trồng hai cây na, ở phía đằng trước nhà, cạnh cây đào cũng thêm một “bác” na nữa. Cả ba cây đều là na bở, giống cây này có vẻ “thất thế” hơn so với giống na dai nhiều năm nay vẫn tung hoành ngoài chợ. Mỗi giống đều có ưu điểm riêng, ví như na dai thì ngọt sắc, đều mắt, na bở không đậm đà bằng nhưng lại thơm hơn, ít hạt hơn và cũng đẹp hơn.
Nhưng thôi, với một đứa trẻ thì na bở hay na dai đều… được tất, miễn là được chén na chín cây, thơm lừng. Mình gắn bó với cây na bởi mùi thơm dìu dịu của nó. Đừng tưởng chỉ có quả na mới thơm, thực ra lá hay hoa đều có làn hương rất riêng. Khi ngồi chơi dưới gốc na, thi thoảng mình lại bứt một cái lá nhỏ vò vò trong tay. Chà chà, cứ như vừa ăn một quả na xong vậy! Điều kỳ lạ ở cây na mà mình phát hiện ra là những bông hoa của nó, trông từa tựa hoa móng rồng, lại có phần giống hoa hoàng lan hay hoa dẻ. Nhưng mình vẫn thích hoa na nhất bởi hoa móng rồng thì ngát quá, nồng nàn như mùi mít chín, hoàng lan cũng vậy… Tất cả đều thua hoa na hết! Cánh hoa na ba cánh xanh xanh vàng vàng, không mỏng mảnh như hoàng lan, cũng không vàng rực như hoa móng rồng, hơi khép mình một chút và chỉ thơm se sẽ. Nếu ai nhìn qua không để ý, có khi chả thấy được hoa na nép mình sau cành lá. Cả mùa hè, mình say mê ngắm hoa na và thấy dường như nó còn đẹp hơn tất thảy loài hoa khác. Nét khác biệt nhất của hoa na với những cây cùng họ khác là… sau khi từng cánh hoa rụng xuống cũng là lúc có thể khấp khởi bao hy vọng về một… mùa na sai quả. Keke! Tất nhiên, chả phải bông hoa na là cũng kết thành trái, có những quả na con tí chưa kịp nhớn nhao xanh xanh thì đã bị thui đen xì, rụng xuống gốc.
Bọn trẻ con mình còn thích hạt na, ăn xong bao giờ cũng gom hết hạt na lại để chơi đồ hàng, chơi ô ăn quan. Ngày xưa các cụ toàn ví von “răng đen rưng rức hạt ha” và quan niệm răng đen mới đẹp, mới có nụ cười kiểu “nét cười đen nhánh sau tay áo” hoặc “Những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng”. Mỗi thời một khác, bây giờ, chỉ còn các cụ già ơi là già mới có răng đen thôi, các cô tân thời răng trắng từ lâu rồi… Hay thật!
Mình thì chả bao giờ biết được thế nào là na mở mắt, chỉ biết hàng ngày ngồi lên bậu cửa sổ đọc sách, chân đung đưa gác lên cây na, thi thoảng lại ngẩng đầu lên… đếm na, xem na hôm nay đã nhỉnh hơn chút nào chưa. Dĩ nhiên trong nhà, mình là người đầu tiên phát hiện ra na chín (hình như trẻ con bao giờ cũng có “năng khiếu” đặc biệt về phát hiện hoa quả chín cây). Nhưng có lần mình nhớ, có quả na ở trên cao tít, to ơi là to, vỏ hồng lên vì nắng, mình không vặt mà để dành cho thật chín, thật ngọt. Thế mà lẩn thẩn những việc gì chả biết, quên tiệt đi mất. Buổi trưa trốn mẹ ra sân chơi, phát hiện ra quả na chín mõm bị chim rỉa mất một nửa, rơi bịch xuống sân. Tiếc ngẩn ngơ cả người, vội nhặt lên còn chút nào, thương chút ấy. Dẫu vậy, cũng chén được một ít. Chà, chưa thấy quả na nào lại ngon như thế!
Sau này, mình đã được ăn nhiều na mỗi khi mùa về nhưng chả thấy quả na nào ngon như quả na trưa hôm ấy nữa. Tuy nhiên, để bù lại cuộc sống lại cho mình một món quà khác, có một cô bạn tên là NA chín. Thế mà chưa thấy mời mình một quả na nào cả.

Published in: on September 6, 2007 at 9:14 am  Comments (1)  
Tags:

Vĩnh biệt huyền thoại của những nốt C2

Không ngờ Pavarotti lại ra đi đúng vào ngày sinh nhật của nhà văn Nguyên Ngọc! Thôi thì bác lại đi theo Beverly Sills, người mới mất ngày 2-7 vừa qua.

Đến Domingo huyền thoại cũng phải thốt lên thán phục: “Tôi luôn khâm phục giọng ca huy hoàng mà Chúa ban tặng ông ấy!”.

Lần cuối cùng, người ta được diện kiến Pavarotti biểu biễn là tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông 2006 tại Turin, Italia (tháng 2-2006) với aria “Nessun Dorma”. Buổi concert trọn vẹn cuối cùng của ông là tại Đài Loan vào tháng 12-2005 và màn trình diễn opera cuối của ông tại Metropolitan (New York) là vở “Tosca”.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới, Pavarotti đã từng nói: “Tôi đã mở cánh cửa âm nhạc cho mọi người. Giọng ca của tôi khiến mọi người hạnh phúc, đó là niềm tự hào của tôi và cũng là trách nhiệm của tôi”.

Chào Pavarotti, tối nay meongoan sẽ ở nhà tối nay để nghe trọn bộ CD Pavarotti mà chohu bảo là có bức ảnh trông như vừa cào rơm xong!

Keke, biết không thể cạnh tranh được vớiYIH và Cobeo trong vụ này nên chỉ viết ngắn thế thôi!

Published in: on September 6, 2007 at 4:22 am  Leave a Comment